Lá Thư Linh Hướng Tháng 3/2020 - Tuyên Xưng Đức Tin - Joseph Phạm Minh-Ước, SJ

“Chúa không bao giờ mỏi mệt khi tha thứ. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi xin Người tha thứ cho chúng ta.”.

Kính mời quý Cursillista cùng đọc Lá Thư Linh Hướng Tháng 3 / 2020.

Joseph Phạm Minh-Ước, SJ
Qúy anh chị Cursilista thân mến,

Chúng ta đang sống trong một thời đại có những khủng hoảng trong các lĩnh vực khác nhau: không những về kinh tế, tài chính, an toàn thực phẩm và môi trường, mà còn liên quan đến ý nghĩa và các giá trị nền tảng của cuộc sống. Thậm chí sự chung sống của con người với nhau cũng đang mang dấu vết căng thẳng và xung đột, gây bất ổn và khó khăn trong việc tìm kiếm con đường đúng đắn cho một nền hòa bình ổn định. Trong tình thế phức tạp này, chân trời của hiện tại và tương lai dường như đang bị những đám mây đen bao phủ.

Trong bối cảnh của một thế giới mà chúng ta vừa mô tả, loan báo Tin Mừng Đức Kitô là điều cần thiết. Những con người trong thời đại chúng ta cần một ngọn đèn chắc chắn soi sáng con đường họ đi. Chỉ có cuộc gặp gỡ Chúa Kitô
mới có thể mang lại nguồn sáng đó.

Người Kitô hữu tuyên xưng niềm tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ. Bên cạnh sự tuyên xưng đó, chúng ta còn tin và chiêm ngắm một Đức Kitô tự hạ (kenosis) và nghèo nàn. “Con đường” nghèo khó là con đường của Đức Giêsu, trong khi chúng ta thường nghĩ rắng có thể cứu thế giới bằng những phương thế thích hợp của con người. Tuyệt nhiên không phải vậy. Trong mọi thời và mọi nơi, Thiên Chúa tiếp tục cứu loài người và thế giới nhờ cái nghèo của Đức Kitô, Đấng trở nên nghèo trong các Bí Tích, trong Lời Chúa và trong Giáo Hội của Ngài. Sự giàu sang của Thiên Chúa không đến qua sự giàu sang của chúng ta, nhưng luôn luôn chỉ qua cái nghèo cá nhân và cộng đoàn của chúng ta. Nghèo ở đây không đồng nghĩa với lầm than; vì lầm than là sự nghèo khó không có lòng tín thác, không có tình liên đới, không có hy vọng. Cái nghèo của đức tin là cái nghèo được làm cho sống động bởi Thần Khí của Đức Kitô. Noi gương Thầy mình, các Kitô hữu được kêu gọi đương đầu với cái nghèo của các anh chị em của chúng ta, chạm lấy, gánh lấy và thực hiện các bước thực tiễn để làm giảm bớt cái nghèo.

Chúng ta cũng cần giới thiệu với thế giới một Đức Kitô của lòng thương xót. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt khi tha thứ cho chúng ta” để nhắc nhở rằng, trước hết, Thiên Chúa là Thiên Chúa của lòng thương xót và trắc ẩn, Người luôn sẵn sàng và quảng đại để tha thứ đồng thời giúp kẻ tội lỗi bắt đầu lại. “Chúa không bao giờ mỏi mệt khi tha thứ. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi xin Người tha thứ cho chúng ta.”

Qúy anh chị Cursillista thân mến,

Như thế, đức tin vào một Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ tự hạ và đầy lòng thương xót phải là mẫu mực cho chúng ta noi theo trong việc hành đạo. Vì có đức tin ấy soi dẫn, việc hành đạo của chúng ta mới vững vàng, sáng suốt, và ngập tràn hy vọng. Được hướng dẫn bởi Đức Tin, nghĩa là sự xác tín từ bên trong, chúng ta biết tại sao mình thực hành những việc bên ngoài như đọc kinh, dự lễ, lần hạt, viếng Mình Thánh Chúav.v… Yếu tố này (được hướng dẫn bởi Đức Tin) rất cần thiết trong việc hành
đạo, vì nó tránh cho ta khỏi thế bị động và những áp lực bên ngoài.

Đức tin là quà tặng quý giá của Thiên Chúa, giúp mở mang tâm trí để con người hiểu biết và yêu mến Người. Thiên Chúa muốn tham dự vào mối tương quan với con người và cho phép họ dự phần vào sự
sống của Người để làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, đức tin cần phải được đón nhận, nó cần sự đáp trả cá nhân, cần lòng can đảm để phó thác chính mình cho Thiên Chúa, để sống tình yêu của Người và tâm tình biết ơn đối với lòng thương xót vô biên của Người.

Đức tin là món quà không chỉ dành riêng cho một vài người, nhưng được ban tặng một cách quảng đại. Tất cả mọi người đều có thể – và cần phải được – trải nghiệm niềm vui được Thiên Chúa yêu thương, niềm vui của ơn cứu rỗi! Nó là một món quà mà người ta không thể khư khư giữ riêng cho mình, nhưng phải được chia sẻ. Nếu chúng ta muốn giữ nó cho riêng mình, chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu cô lập, son sẻ và bệnh hoạn.

Do đó, loan báo Tin Mừng là một phần của việc trở thành môn đệ Đức Kitô và đó là một cam kết liên tục và làm sinh động toàn thể đời sống Giáo hội. “Dấn thân truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng cho thấy sự trưởng thành của một cộng đoàn Giáo Hội.” (Bênêđictô XVI, Verbum Domini, 95).

Mỗi cộng đoàn được coi là “trưởng thành” khi tuyên xưng đức tin, vui mừng cử hành đức tin trong phụng vụ, sống bác ái, không ngừng rao truyền Lời Chúa, ra đi để mang Tin Mừng cho ‘người ngoài’, nhất là những người chưa có cơ hội biết Đức Kitô. Về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn, sức mạnh đức tin của chúng ta có thể được đo bằng khả năng thông truyền cho người khác, để truyền bá và sống Tin Mừng trong tình bác ái, để làm chứng Tin Mừng cho những người chúng ta gặp gỡ và những người chia sẻ cuộc sống với chúng ta.

Chắc chắn là chúng ta đã một cách nào đó ý thức về sự hiện diện của mình giữa những môi trường mà chúng ta đang sống, gần thì là gia đình, xứ đạo, cộng đồng, công sở, nơi làm việc, v.v…, rộng hơn nữa là trong thế giới ngày nay – chúng ta ý thức về sứ mệnh của mình giữa các dân, các nước. Tinh thần truyền bá đức tin không những hướng về lãnh thổ địa lý, mà còn hướng về các dân tộc, các nền văn hóa và cá nhân, bởi vì “ranh giới” đức tin không chỉ là nơi giao lộ và truyền thống nhân văn, mà còn ở nơi tâm hồn của mỗi người nam và người nữ. Công Đồng Vatican II nhấn mạnh rằng việc truyền giáo, việc mở rộng ranh giới đức tin, thuộc về tất cả mọi người được rửa tội và tất cả các cộng đoàn Kitô hữu; bởi vì “Dân Thiên Chúa sống trong các cộng đoàn, nhất là các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, và tỏ ra hữu hình một cách nào đó nơi các cộng đoàn này, nên các cộng đoàn này cũng phải làm chứng về Đức Chúa Kitô trước mặt muôn dân.” (Sắc lệnh Truyền Giáo, số 37). 

Do đó, mỗi cộng đoàn được thách thức và mời gọi nhận làm của riêng mình mệnh lệnh mà Đức Giêsu xưa kia đã ủy thác cho các Tông Đồ, nghĩa là trở thành chứng nhân của Người “tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa và Samaria và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,8). Làm chứng nhân không phải là khía cạnh thứ hai của đời sống Kitô hữu, nhưng chính là khía cạnh thiết yếu, đặc biệt là cho những Cursillista: chúng ta được mời đi trên các nẻo đường trần thế với anh chị em của mình, loan báo và làm chứng cho đức tin của chúng ta vào Đức Kitô, và làm cho chúng ta trở thành sứ giả của Tin Mừng. Đức Thánh Cha kêu mời các giám mục, linh mục, hội đồng linh mục và mục vụ, mỗi cá nhân và hội đoàn trong Giáo Hội đặt chiều kích truyền giáo lên hàng đầu trong chương trình huấn luyện và mục vụ, trong sự nhận thức rằng dấn thân làm tông đồ sẽ không trọn vẹn nếu không nhằm mục đích làm chứng cho Đức Kitô trước muôn dân, muôn nước. Truyền giáo không chỉ đơn thuần là kế hoạch trong đời sống Kitô hữu, mà còn là bình diện khuôn mẫu có ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh khác. 

Qúy anh chị Cursillista thân mến, 

Khi rao giảng về đức tin và niềm xác tín của mình, chúng ta cũng cần nhớ lại điều mà cả Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã lặp đi lặp lại đối với những cố gắng truyền giáo của Giáo Hội: Đức tin luôn phải được đề nghị, chứ không bao giờ bị áp đặt. Chúng ta giới thiệu Đức Kitô với mọi người, chia sẻ sứ điệp cứu độ Chúa ban, nhưng tôn trọng tín ngưỡng của người khác, vì theo các ngài, mỗi người đều có quyền nhìn thế giới theo cách riêng của họ và chúng ta phải tôn trọng điều đó. 

Tuy nhiên, Đức Phanxicô cũng xác định rằng Giáo Hội không nên chỉ quanh quẩn bên cạnh “cỗ xe” của mình, nhưng nên vươn ra với thế giới rộng lớn hơn, ngay cả với những người không chia sẻ niềm xác tín tinh thần và luân lý với Giáo Hội. Do đó, không nên nghĩ rằng loan báo chân lý Tin Mừng là xâm phạm tự do của người khác. Đức Phaolô VI đã nói rất mạnh mẽ về điều này: “Áp đặt một điều gì đó trên lương tâm anh chị em của mình là làm một việc sai lầm. Thế nhưng, việc nêu lên cho lương tâm họ thấy chân lý của Phúc Âm và ơn cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô, một cách hoàn toàn minh bạch và hết sức tôn trọng chọn lựa tự do được chân lý Phúc Âm cho thấy… là một việc tôn trọng quyền tự do này.” (Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 80). 

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, Hồng Y Bergoglio (đương kim Giáo Hoàng Phanxicô) khẳng định: “Chúng ta phải tránh bệnh tật thiêng liêng của một Giáo Hội quy chiếu về mình. Khi bạn đi ra ngoài đường, như những người nam và người nữ, có thể xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, nếu Giáo Hội vẫn khép mình, vẫn quy chiếu về mình, Giáo Hội sẽ trở nên già nua. Giữa một Giáo Hội hứng chịu tai nạn trên đường và một Giáo Hội ốm yếu vì quy chiếu về mình, tôi không ngần ngại chọn kiểu Giáo Hội thứ nhất.” 

Đức Phanxicô là giáo hoàng không hề nao núng trong việc giới thiệu đức tin cho thế giới, nhưng hết sức tôn trọng những người không muốn nhận điều ngài trao. 

Qúy anh chị Cursillista thân mến, 

Chúa mời gọi mỗi Cursillista chúng ta trở thành những người hân hoan loan báo sứ điệp xót thương và hy vọng, chia sẻ kho tàng đức tin đã được ủy thác cho chúng ta, an ủi những tầm hồn tan nát và mang lại hy vọng cho các anh chị em đang bị bóng đêm bao phủ. Như thế có nghĩa là ta đi theo và noi gương Đức Giêsu, Đấng đã đến với người nghèo và tội nhân như người mục tử đi tìm con chiên lạc. Khi hiệp nhất với Chúa, chúng ta có thể can đảm mở ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người.● 

Decolores. Sevenhill SA, ngày 27.02.2020 
Joseph Phạm Minh-Ước, SJ


Decolores BTT

Dominic Thang Vien

Sống ở giây phút hiện tại ý thức có Chúa ở cùng. Present with God inner peace

Previous Post Next Post

نموذج الاتصال