Kính thưa Đức Ông
Kính thưa Sơ và Quý anh chị
Để mở đầu bài chia sẻ hôm nay, em xin được mượn lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhắn nhủ, khi Ngài nói về chứng nhân, Ngài nói: "Con người thời đại hôm nay không muốn nghe những Thầy dậy, mà người ta nghe những nhân chứng, và nếu người ta có nghe các thầy dạy đi nữa, là bởi vì những thầy dạy đó đã là nhân chứng." Như vậy muốn làm CHỨNG NHÂN của Chúa Kitô, chúng ta phải sống như thế nào, Xin mời quý anh chị cùng tìm hiểu.
Trước hết là:
1- CHỨNG NHÂN TRONG ĐỜI SỐNG:
Phong trào Cursillo chú trọng về đời sống chứng nhân, lời nói phải đi đôi với công việc làm, để nhờ vào đó người khác nhận ra Chúa Kitô. vì vậy các Rollos trong khóa Ba Ngày, hay những bài chia sẻ trong Đại Hội, có phần chia sẻ cảm nghiệm cá nhân, mà ngườii chia sẻ chủ đề đã thật sự sống, đã trải qua, để chứng minh những gì họ rao truyền là sự thật. nên trong cách sống hàng ngày của mỗi Cursilista, cũng là những bài chia sẻ sống động, có sức lôi cuốn làm thay đổi người khác, nhưng không phải bằng lời nói, mà là thứ ngôn ngữ của hành động.
Thưa quý anh chị.
Muốn sống chứng nhân ta không phải tìm kiếm đâu xa, vì đời sống chứng nhân khởi đầu từ gia đình, gia đình là nền tảng của Giáo Hội và cũng là căn bản của Giáo Hội, nên người Kit ô hữu cần có một cuộc sống quân bình giữa đời và đạo, ta không thể quá lo phần đạo mà quên đi bổn phận trong đời sống hằng ngày của gia đình. Trái lại cũng không nên qúa tham lam vật chất mà sao lãng đời sống tâm linh.
Mặt khác, làm việc bác ái, cũng là một trong những phương cách sống chứng nhân, nhưng cần phân biệt rõ ràng, vì bác ái phải đi đôi với công bằng, nên không thể dùng phương cách xấu để làm việc tốt. Một khi làm việc bác ai, nhưng bác ái đó được xây dựng trên nền tảng bất công, thì chẳng những không được ơn ích gì, trái lại sẽ gây ra tiếng xấu, như thế việc bác ái ta làm sẽ không còn là chứng nhân cho điều tốt mà ngược lại làm gương xấu cho người khác.
Chứng nhân của Chúc Kitô, là một con người bình thường như bao người khác, họ chu toàn bổn phận với gia đình, sống vui vẻ, biết dấn thân hy sinh quyên mình, giúp đỡ ngườii khác, cố gắng sống hoàn thiện mỗi ngày và đặt Chúa Kitô làm tâm điểm của cuộc đời họ.
Ké đến là:
1- NHỮNG CẢN TRỞ TRONG ĐỜI SỐNG CHỨNG NHÂN.
Bản tính con nguời vốn thích tự do, không muốn bị ràng buộc, nên sống buông thả, phóng túng, dễ dàng hơn là sống có lý tưởng, sống trở nên một chứng nhân. Hơn nữa môi trường chung quanh cũng là một điều kiện làm ảnh hưởng rất nhiều đến cách sống của mỗi người.
Về tâm linh cũng vậy. Trong khóa Ba Ngày, chúng ta được ở trong môi trường thánh thiện, và được Chúa hoán cải, Ngài ban cho mỗi người một ngọn lửa đức tin sốt mến. Sau khóa học, chúng ta trở về môi trường hằng ngày, ở môi trường này, đầy rẫy những cám dỗ, cộng thêm những gương mù gương xấu, nếu chúng ta không tự phấn đấu, không sống đời sống cầu nguyện, thì ngọn lử đúc tin Chúa ban cho sẽ tắt đi lúc nào mà chính ta cũng không biết. Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận có nói: " TÔi CÓ ĐỨC TIN, CÓ LẼ ĐỨC TIN CỦA GIẤY KHAI SINH, KHÔNG PHẢI ĐỨC TIN CỦA ĐỜI SỐNG, ÍT NGƯỜI SỐNG THEO ĐỨC TIN" (ĐHV)
Tiếp theo là:
3- NẾU BẠN MUỐN, BẠN SẼ LÀ CHỨNG NHÂN:
Thưa quý anh chị
Sống chứng nhân không phải là việc quá khó khăn, đến nỗi chúng ta không thể làm được. Muốn sống chứng nhân, trước hết phải có đời sống nội tâm cầu nguyện, vì đó là bước căn bản giúp canh tân tâm hồn. Trong sách Đường Hy Vọng, Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận có viết:
"Người giữ đạo đọc nhiều kinh, dự nhiều Lễ, mà không sống Đạo, chẳng khác gì người được hỏi: "Bạn có khỏe không?" Liền đáp "Tôi ăn một ngày sáu bữa" Chưa hẳn ăn nhiều đã khỏe" (ĐHV 101) và Ngài còn viết: "Con hăng say phụng sự Chúa, rất tốt, nhưng lòng sốt sắng không đi đôi với sự canh tân tâm hồn, thì không đẹp ý Chúa" (ĐHV 88).
Siêng năng đi Nhà Thờ, đọc Kinh sớm tối, xưng tội, tham dự Thánh Lễ, rước Lễ v.v... cũng là việc khó làm nhưng làm nhiều lần dần dà lâu rồi thành thói quen, bỏ một bữa cảm thấy áy náy khó chịu, hơn nữa, không đụng chạm hay phiền phức đến ai, đó là việc đạo đức cá nhân, giữ đạo riêng cho mình, và chỉ quanh quẩn trong Nhà Thờ, không bước ra ngoài xã hội, như vậy giữ đạo chứ chưa phải sống đạo.
Khi nhìn lại cuộc đời của Thầy Chí Thánh, chúng ta có thể chia ra làm 3 giai đoạn: Thứ nhất 30 Năm với đời sống hằng ngày và cầu nguyện, kế đến 3 Năm Chúa đi ra ngoài xã hội rao giảng Tin Mừng và cuối cùng Chúa chịu đóng đinh vì phần rỗi của nhân loại.
Muốn làm chứng nhân của Chúa Kitô, chúng ta phải theo bước chân của Ngài, chẳng những lo bổn phận hằng ngày, và thực hiện các việc đạo đức cá nhân, mà còn phải đem Chúa đến cho tha nhân bằng những việc Tông Đồ có tính cách Xã Hội.
Công việc này đòi hỏi nhiều hy sinh, đôi khi chịu thiệt thòi, làm xáo trộn giờ giấc hay công việc làm, trái vói bản tính tự nhiên thích an phận của con người, nhưng thay vào đó có cái hay là một khi dấn thân vào việc Tông Đồ sẽ gặp những khó khăn trở ngại, chính những ngăn trở đó là cơ hội khiến cúng ta năng chạy đến với Chúa. Hơn nữa khi làm công việc Tông Đồ, chúng ta sẽ cố gắng sống xứng đáng với ơn gọi của mình, và cũng chính công việc Tông Đồ, sẽ nuôi dưỡng đúc tin của chúng ta vì: Đức tin không có việc làm là đức tin chết.
PHẦN CHIA SẺ CẢM NGHIỆM CÁ NHÂN.
Thưa quý anh chị
Để kết thúc bài chia sẻ, em xin kể anh chị nghe câu chuyện: "Con búp bê bằng muối" mà em có dịp đọc qua: Ngày xưa xa lắm có một con búp bê bằng muối, vượt đường xa ngàn dặm dể tìm hiểu mình là ai. Nó đi mãi, đi mãi. Một ngày kia, dừng chân trên bờ biển, vừa mê mẩn, vừa kinh ngạc khi nhìn thấy trước mắt là một khối nước bao la chuyển động, cảnh tượng này hoàn toàn khác với nhũng gì nó đã nhìn thấy từ trước đến giờ.
Búp Bê tò mò hỏi biển: Bạn là ai vậy?
Biển mỉm cười rồi đáp:
Tôi là ai ư? Em hãy bước vào trong nước của tôi rồi em sẽ biết.
Búp bê do dự một chút rồi lội xuống biển, càng xuống sâu bao nhiêu nó có cảm giác thân thể càng tan ra bấy nhiêu, cho tới khi chỉ còn lại một nhúm nhỏ. Trước khi hạt muối cuối cùng tan rã Búp bê hết súc kinh ngạc la lên:
Giờ dây tôi mới biết tôi là ai.
Quý anh chị thân mến, Khi Tôi biết tôi là ai thì cũng chính là lúc Tôi biết Chúa là ai, và cho đến khi nào tôi đem muối của mình hòa vào thế gian, lúc đó tôi mới làm cho biển đời mặn lên. Tôi trở thành chứng nhân của Chúa Kitô, vì như lời Chúa dậy "Chúng con là muối đất, chúng con là ánh sánh thế gian" (Mt.5: 13-14 )
Thân ái mến chào quý anh chị.